Quy định thuế bất cập,ạchậuthuếthunhậpcánhâcâu lạc bộ bóng đá manchester united doanh nghiệp thiệt hại nặng nề
Sáng 2.11, Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2024; đánh giá giữa kỳ về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính quốc gia, vay trả nợ công 2021 - 2025.
Nêu ý kiến về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng, quy định về mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh, phân chia bậc lũy tiến... "có nội dung đã lạc hậu cả chục năm, bất cập rất lớn".
Theo ông Lâm, kết quả thu ngân sách đạt được trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kinh tế có lúc đình đốn là nỗ lực lớn. Song thực tế cho thấy, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Đơn cử như thuế TNCN với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc lũy tiến, mức giảm trừ gia cảnh... không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát.
Tương tự, thuế giá trị gia tăng (VAT) dù số thu lớn, nhưng số hoàn cũng lớn. Ông Lâm dẫn chứng, năm 2022 thu 390.000 tỉ đồng, hoàn 150.000 tỉ đồng (chiếm 38%). Năm 2023 ước thu 365.000 tỉ đồng, hoàn 160.000 tỉ đồng (chiếm 44%).
"Quy trình thu phức tạp, tốn kém, nhiều khâu trung gian. Thu rồi khấu trừ; thu rồi lại phải hoàn; chi phí cho thu, rồi lại chi phí cho hoàn nhưng kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu. Quá trình này còn làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách", ông Trần Văn Lâm nói.
Nêu tình trạng ách tắc, tồn đọng hoàn thuế VAT, theo ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh), các doanh nghiệp (DN) và một số hiệp hội, ngành hàng như dăm gỗ, tinh bột sắn… đã bức xúc gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Lý do, những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi...
Những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các DN chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế VAT.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh)Đơn cử với nhóm mặt hàng ngành gỗ, sản phẩm dăm gỗ, cao su…, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng từ F1, F2 đến khâu thu mua là quá mức cần thiết. Hay với nhóm mặt hàng tinh bột sắn, theo ĐB Hà, việc yêu cầu DN phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của đối tác Trung Quốc mới được hoàn thuế là chưa đủ thuyết phục.
"Những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các DN chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế VAT. Nhiều DN cho biết phải đóng cửa, đơn hàng bị hủy bỏ, nợ quá hạn ngân hàng phát sinh, người lao động bị ảnh hưởng…", ĐB Hà nêu.
"Bộ ngành giờ tiếp khách ít, đi công tác ít"
Giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhắc lại các chính sách giảm thuế, tiền thuê đất trong 3 năm qua đã hỗ trợ được các DN. Năm 2021 giảm 132.400 tỉ đồng, năm 2022 giảm 233.000 tỉ đồng, năm nay dự kiến giảm khoảng 200.000 tỉ đồng.
"Nếu hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng sẽ mạnh hơn, nền kinh tế bền vững hơn và DN sẽ phát triển mạnh mẽ hơn", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói và dẫn chứng luật Quy hoạch, tới nay được hơn nửa nhiệm kỳ vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch cấp tỉnh thì làm sao triển khai được các quy hoạch của các phân khu. Tương tự giải ngân đầu tư công, tính đến nay mới đạt 57% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tại sao lại giải ngân thấp trong khi nền kinh tế đang khát vốn? Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần xem vấn đề vướng mắc từ luật Đầu tư công không, nếu không sửa luật sẽ tiếp tục phải bàn cãi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất luật Đầu tư công phải đa dạng hóa nguồn vốn, cân đối được tài khóa và quy định chủ yếu trình tự thủ tục. Với chương trình mục tiêu quốc gia phải thay đổi cách phân bổ, giao về cho tỉnh để phân bổ xuống huyện và chỉ chi đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm... Còn lại đưa vào chi thường xuyên, như chi sinh kế, chi nhà cho người nghèo, chi cho khoa học, giáo dục, y tế...
Nhấn mạnh phải giảm chi đầu tư, tiết kiệm trong đầu tư, không được để lãng phí, thất thoát, theo ông Phớc, chi thường xuyên hiện đã rất tiết kiệm. "Có những bộ, ngành riêng tiền lương, phụ cấp lương chiếm trên 66%, không có gì để tiết kiệm, chủ yếu là phục vụ cho con người, lương và phụ cấp lương là chính. Bây giờ bộ, ngành tiếp khách rất ít, đi công tác cũng ít, cho nên cũng không nên đặt vấn đề này nhiều", ông Phớc nêu.
Liên quan kiến nghị hoàn thuế VAT, ông Phớc thông tin đã hoàn được khoảng 92%, đang giải quyết 534 hồ sơ, tương ứng 9.154 tỉ đồng. "Một số vướng mắc chúng tôi đã xác minh là cơ quan thuế của nước ngoài bảo không tồn tại DN này, có nghĩa là hợp đồng bị vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không hoàn thuế được", ông Phớc nói và cho biết có những bài học hoàn thuế rất đau xót. Đặc biệt, vụ hoàn thuế sai với Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức khiến Cục Thuế TP.HCM có 18 người đi tù, kể cả cục phó chịu án tù 4 năm mà "không lấy đồng nào hết, chỉ làm sai thôi". Ông Phớc trần tình, nếu trong luật nói hoàn thuế mà chỉ xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm thì sẽ thực hiện ngay.
Chia sẻ thêm bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, so với thế giới, chỉ số tính thuế TNCN của VN so với lương cơ sở đang cao hơn 2,4 lần. Ngưỡng chịu thuế bình quân chung ở nước ngoài chỉ tính từ 0,5 - 1 lần so với lương cơ sở. Cụ thể, mức tính thuế TNCN hiện hành là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, trong khi lương bình quân là 4,6 triệu đồng.
Ông Phớc cho rằng mức giảm trừ gia cảnh so với lương cơ sở như vậy là cao, nhưng đang thấp hơn mức sống đô thị của người dân. Đặc biệt, theo ông Phớc, thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị "không đủ sống". Ông Phớc cho biết, dự luật thuế TNCN sửa đổi chưa được bổ sung vào chương trình làm luật trong thời gian tới. Sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024, trên cơ sở đó sẽ tính thu nhập gốc, tính mức bình quân tăng lương mỗi năm là 7 - 8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân chịu thuế.
Đề xuất nâng cấp 2 tuyến đường sắt sang Trung Quốc
ĐB Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của 2 tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn); Lưu Xá (Thái Nguyên) - Kép (Bắc Giang) - Cái Lân (Quảng Ninh) và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đây là 2 tuyến đường sắt khổ 1,43 m, được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc, cách đầu mối trung tâm vận tải TP.Trùng Khánh chưa đến 1.200 km. Tại VN, 2 tuyến đường sắt được kết nối trực tiếp ra biển là cảng nước sâu Cái Lân, có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn.
Dẫn câu chuyện ngành đường sắt bắt đầu khai thác các tuyến tàu container từ ga Yên Viên hoặc ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Đồng Đăng, qua Trung Quốc rồi đi châu Âu, ông Thịnh nhận định 2 tuyến đường sắt nêu trên có tiềm năng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hành khách là rất lớn.